Thứ Hai, 3 tháng 12, 2018

Giá như mình hiểu được ý nghĩa của Marketing

tháng 12 03, 2018 0 Comments
Đọc bài báo tóm tắt chung kết Young Marketers diễn ra vừa rồi (tại đây), chợt rùng mình. Không phải vì những ý tưởng đột phá, mà vì những hoài nghi của mình về ý nghĩa của Marketing chợt rõ ràng hơn bao giờ hết. Rằng tính thực tế, thực dụng hay những diễn giải, viễn cảnh vẽ ra đang được lên ngôi?

Đọc bài làm của em - cậu quán quân, chị lại có chút chạnh lòng, vì cách phân tích của em cũng là những gì chị đã khai thác. Nhưng hơn cả một sự hối tiếc, hờn dỗi hay tự thỏa mãn bản thân, nó đè nặng lên áp lực đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: đối với những giải pháp mang tính định tính thay vì định lượng như thế này, đâu mới là đúng?

Ngược về thời gian hơn 1 tháng về trước, khi đề vừa được công bố

Để người trẻ hiểu Tuồng, giải pháp mình nghĩ đến là cho giới trẻ - thế hệ đại diện tương lai của Việt Nam - được tạo nên một "symbol" cho Việt Nam. Mình muốn đánh thức "national consciousness" bằng Tuồng. Mình muốn người trẻ cảm giác "feeling of belonging to a nation" thông qua Tuồng. Vì hơn ai hết mình hiểu rất rõ cái feeling này khi có thời gian ở nước ngoài trong 2 tháng. Khi sống trong môi trường đa văn hóa, đa ngôn ngữ, người ta cần một điều gì đó để bấu víu, để không lạc lõng, để không bơ vơ: đó chính là nguồn cội, sự tự hào dân tộc.

Vì sao người Mỹ không thích chia sẻ về lịch sử Mỹ: Tại đây
Tại sao Mexico lại bị cho là một "dân tộc con hoang"? - "Tôi là một con lừa" của tác giả Phương Mai
Tại sao cùng mang một quốc tịch Úc nhưng cuộc chiến âm ỉ giữa người Úc bản địa và người Úc ngoại lai vẫn diễn ra hàng thập kỉ? - "Tôi là một con lừa" của tác giả Phương Mai

Vậy mà một dân tộc hàng nghìn năm tuổi với những dấu tích văn hóa, lịch sử đậm nét, những chiến tích chấn động thế giới lại không khiến những đứa con mới lớn của đất nước này tự hào: Việt Nam

Nhưng những lớp suy nghĩ, những trang nghiên cứu, những dòng phân tích này nhanh chóng bị mình từ bỏ, vì khi nhìn thật rõ ràng, cảm nhận thật cặn kẽ cuộc sống của giới trẻ, mình nhận ra đối tượng của insight quá hẹp, vì nó quá sâu sắc khi liệu còn bao nhiêu những cô cậu trẻ Việt Nam quan tâm đến vấn đề văn hóa và lịch sử bên lề những sự kiện giải trí, xã hội nóng bỏng. Vì vậy để xây dựng Tuồng là một symbol, trước hết phải đi một con đường dài để gợi dậy sự quan tâm về tự hào dân tộc thông qua văn hóa.
Cá nhân mình nhận thấy sự tự hào dân tộc chỉ được giới trẻ đả động mạnh mẽ khi có diễn ra những sự kiện chính trị như giàn khoan 981 hay những sự kiện thể thao, giải trí lan tỏa như U23, thay vì là những vấn đề văn hóa.

Và mình bắt đầu tìm đến insight mang tính thực dụng hơn, đối tượng rộng hơn.

Cho đến hôm nay, đọc được nhận xét của BGK về bài làm của cậu quán quân, sự khen ngợi hết lời cho một insight sâu sắc với nhiều lớp lang ấn tượng, về cách xây dựng Tuồng là một "national identity" gợi dậy lòng tự hào. Mình bơ vơ giữa câu hỏi, có phải mình đã sai?
Đối với những giải pháp dựa trên phương pháp định tính, đâu sẽ là tiêu chuẩn để đo lường tính hiệu quả và khả thi, hay sẽ chỉ là những diễn giải, những viễn cảnh được vẽ ra trong đầu (Đọc bài báo tại đây). 

Đối với mình, một con nhỏ có phần thực dụng và đầu óc hơi kinh doanh, mình rất cần câu trả lời cho 2 câu hỏi: Làm thế nào để "awake national consciousness, national pride" thông qua văn hóa, làm thế nào để biến Tuồng thành một "National identity"?

Khi vấn đề văn hóa trở nên quá khó, cần rất nhiều những nghiên cứu để kết luận quá trình thay đổi nhận thức trong giới trẻ, mình đã đi tìm hướng giải quyết khác, gần gũi với giới trẻ hơn: là giải trí

Đặt ra câu hỏi làm thế nào để người trẻ dành buổi tối cuối tuần đi xem Tuồng thay vì đi CGV?
Rào cản đi xem Tuồng là Tuồng không mang lại giá trị như họ đi xem phim. Động lực đi xem Tuồng là được biết, được trải nghiệm cái ký ức mà họ chưa từng được sống.

Sau khi trò chuyện với thằng bạn lần đầu đi xem Tuồng về, mình chợt nhận ra giá trị của Tuồng nằm ở sự giải trí mang tính nghệ thuật, thay vì "mì ăn liền" như phim và Tuồng mang vẻ đẹp của quá khứ chân thực.
Ý tưởng về định vị Tuồng ra đời.

Trở lại với thực tại

Lại rớt Young Marketers sau nhiều năm theo đuổi. Hai năm về trước là bài toán về lười vận động. Ấu dâm là câu hỏi dành cho năm ngoái. Và năm nay, vấn đề Tuồng mai một được đặt ra. Nhưng cảm giác khó chịu nhất vẫn là không biết bản thân đã sai ở đâu, thiếu sót ở đâu. Nó ăn mòn suy nghĩ và đưa mình vào vòng lẩn quẩn của sự bất lực. Đọc thêm bao nhiêu sách nữa là đủ, cần thêm bao nhiêu kinh nghiệm đi làm nữa thì cần thiết, hay việc đậu rớt chỉ là một cái duyên?
Sẽ là một bài phân tích trên giấy đầy sâu sắc, dẫn đến gốc rễ hay một kế hoạch thực thi chặt chẽ, logic?
...

Giá như ai đó giải thích mình hiểu ý nghĩa của từng hoạt động Marketing, mình sẽ có một điểm tựa để thôi không bơ vơ giữa những đáp án.

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2018

Nguồn cảm hứng cho nàng độc thân (Chapter 1)

tháng 11 12, 2018 0 Comments

Thôi những vỗ về dịu dàng, không lời quan tâm mỗi ngày, quên cả những ánh nhìn yêu thương một thời. Đó là vòng lặp 24 giờ của cuộc sống độc thân.


Nhưng có những cô nàng độc thân vẫn mang một sức hút lạ lùng, bởi cô ấy quá khó để nắm bắt.
Đâu là nguồn cảm hứng để cô luôn là một cơn gió hoang dại đến vậy?

1. Quotes



---
"She never looked nice. She looked like art, and art wasn't supposed to look nice;
it was supposed to make you feel something"

Không thu hút ánh nhìn bằng những vẻ đẹp chuẩn mực, cô mê hoặc những trái tim bằng vẻ đẹp như bức họa đậm nghệ thuật, không thước đo, chỉ là vương lại trên ánh nhìn một cảm giác, một rung động   

2. Điện ảnh 


On the way to be REALLY, TRULY SINGLE... 
“Em bị ám ảnh bởi suy nghĩ được yêu và em hoàn toàn đánh mất bản thân mình, giống như em quên mất em muốn gì, và em biến mất.
Em thật sự, thật sự, từ tận trái tim mình rằng, em muốn một mình ”
---
Nguồn: IMDb
“The thing about being single is that you should cherish it … that you are NOT tied of any relationships with anyone, your friends, your siblings, your pets, when you stand on your own. REALLY, TRULY SINGLE”
--- How to be single---- 

3. Âm nhạc

Nàng công chúa của lâu đài không hoàng tử
"I like being alone, because I should be true to yourself
Like the flowing wind 
Like the stars above the clouds
I want to go far away. I want to shine brightly"
--- Jennie | 'SOLO' ---
Nguồn: Pinterest
"From today on
I'm A SHINING SOLO"
---

Ảnh cover: Jenny Yu

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2018

Khủng hoảng tuổi 21

tháng 11 10, 2018 0 Comments

Ở tuổi 21, mình trải qua thời kì khủng hoảng của cuộc đời, khi loay hoay giữa câu hỏi: "Mình cần thay đổi bản thân hay đó chính là con người mình?"

Rồi vô tình mình đọc được một bài viết
"Có một bài phân tích chỉ ra rằng, đời người chia làm bốn giai đoạn chính: giai đoạn đầu là phụ thuộc, quan sát, bắt chước và cần có sự chấp thuận từ người khác; giai đoạn thứ hai là khám phá bản thân, đưa ra các phép thử, trải nghiệm thất bại; tiếp theo là giai đoạn cam kết, rời xa những điều không phù hợp để toàn tâm toàn ý cho những việc mình giỏi nhất, những điều tốt nhất và những mối quan hệ quan trọng nhất; giai đoạn cuối cùng (nếu may mắn), sẽ là lúc chúng ta tận hưởng thành quả của cả cuộc đời" - Chúng ta sống vì điều gì?

Nguồn: Jenny Yu
Tháng 11 năm 2018 của mình bắt đầu bằng những chuỗi ngày muốn bỏ chạy bởi hàng loạt những "trải nghiệm không thoải mái" đâm xuyên vào tim. Một con nhỏ năm 4 sắp ra trường không apply vào các công việc, chương trình tuyển dụng của các tập đoàn lớn như lũ bạn vẫn hăm he ngày đêm mà đâm đầu vào vị trí nhân viên thị trường.
Từ bé vốn chỉ mạnh về tư duy, nhưng giờ lại nhảy vào một công việc đòi hỏi nhiều về kĩ năng. Bố mẹ nghĩ là ngông, bạn bè nghĩ là thích làm khác biệt, thằng bạn thân nghĩ là ngu nhưng đối với mình đó là sự gào thét từ tận sâu trái tim rằng mình muốn được giải thoát. Muốn được giải thoát khỏi nỗi sợ hãi không có lời giải, những nỗi lo lắng không tìm được lí do. Muốn bản thân là một cú nổ, thôi quan tâm đến người khác nghĩ gì về mình, thôi suy diễn, thôi cảm xúc.

Thức dậy sớm, chạy xe cả ngày ngoài đường, mặt dày, kiên quyết đòi hỏi lợi ích, ai nói gì cũng phải cười và cảm ơn. Mỗi sáng thức dậy đều cảm thấy khó khăn quá, muốn quay về cuộc sống trước đây. Hàng loạt câu hỏi xẹt ngang qua đầu, sao phải tự làm khổ mình vậy.
Thằng bạn dội thêm vài gáo nước lạnh, "sao mày cứ tập trung vào điểm yếu chi vậy, mày có một cách khác là push điểm mạnh lên level max. Trong quá trình đi làm ở văn phòng không thiếu những tình huống mà mày có thể phát triển được kỹ năng mềm".

Trái tim mình tự dưng trở nên mềm yếu, dự định nghỉ việc bay lòng vòng trong đầu như sắp được niêm lại, rồi mình tưởng tượng sẽ trở lại cuộc sống được tạo ra giá trị hàng ngày, được nhìn thấy kết quả kinh doanh từ những ý tưởng mang nặng đẻ đau của mình,.... Thế nhưng đây là lúc "self-confidence" lên tiếng.

Mình nhớ lại khoảng thời gian tìm việc ròng rã 2 tháng, những kế hoạch cho chiến lược phát triển của bản thân mà mình đã dành rất nhiều thời gian và nỗ lực để suy nghĩ.
Mình nghĩ về những hy sinh khi mình nhận công việc này và cả những mất mát rất to lớn trong quá khứ khi nhiều cơ hội đến nhưng mình đã bỏ qua chỉ vì mình không đủ kĩ năng. Thằng bạn mình nói đúng, nhưng mình đã chọn con đường khác, con đường mà mình biết là sẽ rất khó khăn nhưng mình cho là sẽ trực diện hơn và hiệu quả hơn. Sẽ là một cú nổ.

Nguồn: Jenny Yu
Ngày mai khi mở mắt, mình sẽ lại cố gắng. Hãy dành cho sự dũng cảm của tuổi 21 này một phần thưởng xứng đáng, cô gái nhé.

---Khi quay đầu nhìn lại, sẽ không còn sự hối tiếc nào!---

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2018

Viết cho tháng 11

tháng 11 01, 2018 0 Comments

Cô gái đón tháng 11 như một làn gió ẩm của mùa đông về. Tâm trạng ủ dột và sướt mướt, hệt như tâm trạng của những đêm mưa.

Cảm giác một mình như ăn sâu vào từng nhịp thở, từng lớp suy nghĩ. Trái tim trở nên lạnh và giọng nói chỉ thỏ thẻ. Ít ai khiến cô gái cười và ít khoảnh khắc sự hạnh phúc thật sự ngập ngàn.

Đông chưa tới nhưng đã thèm mùa xuân, thèm sự tươi mới, thèm cảm giác được đón chờ rất nhiều sự khởi đầu và thèm những tình cảm chân thành.

Nguồn: Jenny Yu
Tháng 11 của cô gái bắt đầu bằng trải nghiệm được lần đầu bước một chân ra khỏi vùng thoái mái (the comfortable zone). Lần đầu cô gái lựa chọn làm khác đi, thật khác đi.
Không điều hòa, không laptop, không hội họp, không brainstorm. Cô gái lần đầu lựa chọn chiến đấu với chính bản thân mình, vì thật ra điều khó khăn nhất trong mọi cuộc hành trình chính là bản thân mình. Nắng nôi, những cuộc đấu tranh tư tưởng diễn ra đến gay gắt trong tâm trí cô gái giữa 2 nhân vật tên Yes và No, niềm mong mỏi được thay đổi, những tổn thương, những phiền muộn.

Cô gái lại lần nữa chọn những con đường ngập nghềnh, để xem bản thân đã trưởng thành như thế nào suốt những năm tháng của tuổi trẻ.   

Cuối tháng 10, cô gái nhận tin buồn, nhưng là một dấu hiệu để cô gái nhận ra rằng: khi đã ước mơ, phải sống hết mình với ước mơ đó, và trên con đường chinh phục ước mơ đó, không được đánh mất bản thân mình, đừng quên mình là ai.

Thế rồi cô gái mở mắt và đọc quotes. Đối với cô gái, quotes là âm nhạc, thay vì giai điệu hữu hình thì cô gái cảm nhận giai điệu vô hình của cảm xúc khi đọc quotes.

"Self-confident, i'm realizing, is a lot deeper than just thinking i'm beautiful and being free in who i am. It also includes being confident in my decisions and trusting myself to be committed to the things i want to do, to step outside of my comfort zone and assure myself that I will be okay in doing so. This kind of self confidencs will help me see the sucess i want to see" - Livingforgoldmoments

Nguồn: Jenny Yu

"Some days

I am more of wolf than woman
And I am still learning how to stop apologising for my wild"
--- Nikita Gill ---

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

Trải nghiệm leo đồi làm đồng ở làng Sekejolang (Indonesia)

tháng 10 27, 2018 0 Comments


Bức ảnh được chụp lại lúc 7h sáng, từ đỉnh của ngọn đồi khi mình cùng Diễm lẽo đẽo đi theo bác nông dân trong làng ra đồng. Đi bộ và leo dốc 3km trong bộ đồ ngủ và đôi dép lê, mình chưa từng nghĩ sẽ có cơ hội được ngắm khung cảnh đẹp đến thế, ngay rìa của mảnh đất, phóng tầm nhìn ra toàn thành phố và những ngọn đồi như được bước ra từ anime. 


Cách nắng đổ lững lờ, những thửa ruộng sắp xếp ngẫu nhiên trên sườn đồi, sự kết hợp quá diệu kì của màu xanh lá và màu đất. Mình đứng thẫn thờ.


Đứng ở trên cao vào buổi sớm, những làn gió chẳng hề nhẹ nhàng hôn lên đôi má như tưởng tượng, mà là tạt rất mạnh vào mặt. 
Nhưng thật sự đó là cảm giác tự do nhất mình từng có. Không ràng buộc bởi bất cứ một điều gì trên thế gian. Vì cảnh tượng trước mắt không phép mình suy nghĩ được gì nữa, không một dòng suy nghĩ về quá khứ hay tương lai xẹt qua tâm trí. 
Là giây phút mình thật sự cảm nhận được câu nói: Live in the moment. 
Là giây phút mình thật sự cảm nhận mọi thứ xung quanh bằng mọi giác quan được ban tặng cho con người 


Phơi mặt giữa làn nắng vơi đầy, cực tinh khiết của buổi sớm. Không khí ẩm như ngửi được cả mùi sương. Không có bất kì âm thanh gì ngoài âm thanh của tự nhiên. Cảm giác như mình có thể đứng đó hàng giờ, không phiền muộn, chỉ có cảm giác hạnh phúc ngập tràn lồng ngực. 

Mình quay sang hỏi Diễm, có nghe thấy tiếng gì không? Là TIẾNG SUỐI.
Hai đứa lại lặn lội tìm đường đến suối. Té sấp mặt một lần, trượt chân vài lần, thế là đành đi chân không và kiếm gậy chống. Lần theo tiếng suối cũng là men theo con đường xuống chân đồi. Con suối không đẹp như tưởng tượng nhưng 2 đứa được trải nghiệm những điều không tưởng trên con đường xuống suối.



Con suối ở chân ngọn đồi
Bắt gặp ruộng hành như tranh vẽ trên đường xuống suối
Gần xuống tới chân đồi
Hôm ấy mình và các bạn trong dự án ngủ lại làng, thế là tập hợp team để bàn kế hoạch sáng sớm nên làm trò gì cho awesome. Và đây là thành quả. Thật sự quá quý giá. 
Nếu mình không đánh gục cơ buồn ngủ để thức dậy lúc 6h sáng, nếu mình không gọi Diễm dậy, nếu mình không gặp bác nông dân trên đường, có lẽ mình đã bỏ lỡ một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất của tuổi trẻ. 


Trên đường về lại làng, ăn sáng tại một quán cà phê không khác gì lạc khu rừng thần tiên
Thật sự đó, nhiều khi mình không thích đến những địa điểm du lịch, chỉ thích những trải nghiệm hoang dại và những bước chân đầy tự do. Mình chọn những con đường gập ghềnh, để xem bản thân đã trưởng thành thế nào suốt năm tháng tuổi trẻ.

Ảnh cover: Jenny Yu

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

23/10/2018: Tròn 2 tháng trở về

tháng 10 22, 2018 0 Comments

Hôm nay 23-10 là tròn 2 tháng mình về lại Sài Gòn sau 2 tháng ở Singapore và Indonesia

Về bản thân ấy, mình đã thay đổi suy nghĩ rất nhiều, như mình đã đề cập trong bài “Kinh nghiệm 6 tuần tình nguyện ở nước ngoài”, nhưng kết quả của sự thay đổi này đối với mình vẫn là một dấu chấm hỏi

Mình là đứa duy nhất trong team Việt Nam sau khi về vẫn đang dậm chân tại chỗ. Các bạn mình đã có bước tiến rất đột phá. Sống healthy hơn, kỉ luật hơn, có một việc rất tốt đúng với định hướng và plan. Những bé còn đang đi học thì bắt đầu đậu những cuộc thi tuyển dụng của các tập đoàn lớn và có những kế hoạch dài hơi rất rõ ràng cho tương lai.
Thật ra những kết quả này đều nhờ vào chuyến đi tình nguyện đấy, vì tụi mình vẫn hay ngồi nói Global Volunteer là một lần được sống khác đi. Như một khúc gãy giữa con đường nhựa, té xuống rồi đứng dậy, thấy con đường phía trước trở nên quá mới mẻ. Sao nhỉ: REBORN

Còn về phần mình, tụi bạn vẫn chọc là “Mày chạy bước đà lâu hơn tụi tao thôi”

Nhưng là mình đang sợ.
Nguồn: Jenny Yu
Những ngày đầu mình về, thật sự là một con người khác, rất có lửa và có những nguyên tắc sống rất thu hút. Mình không quyết định đi làm ngay mà thay vào đó mình ngồi nhà đọc sách, xem các bộ phim tài liệu, gặp gỡ bạn bè. Và những khoảng thời gian riêng trong ngày để viết ra hết chặng đường 4 năm đại học, và con người mình muốn trở thành trong 3 năm tới.
Rồi mình về quê, tìm lại những kí ức cũ, đi đến những vùng đất mới ở mảnh đất QN mà mình nghĩ đã nằm lòng bàn tay nhưng hóa ra chẳng phải, gặp gỡ bạn bè cũ, những cuộc nói chuyện sâu sắc với gia đình.

Và mình quay trở lại Sài Gòn, như một chiến sĩ đã được trang bị chỉnh chu để ra trận

Nhưng mình đã ngã.
Nguồn: Jenny Yu
Có lẽ nên kể mọi người nghe định hướng của mình, đó là kĩ năng mềm và kĩ năng sống.
Hai tháng ở Singapore và Indonesia, thứ mình được học và rèn luyện nhiều nhất đó là kĩ năng mềm + kĩ năng sống, nhưng chưa tới. Nếu mình tiếp tục rèn luyện những kĩ năng này ở Việt Nam, mình tin rằng mình sẽ thật sự rất mạnh về kĩ năng mềm + kĩ năng sống.
Mình cảm thấy sẽ là thiếu chiến lược nếu mình lại quay lại làm những công việc office, chỉ đòi hỏi nhiều về tư duy và rồi kỹ năng mềm cứ dở dở ương ương.

Nếu mình đã có 2 tháng để rèn luyện, mình cần tiếp tục cho đến khi đạt được level mục tiêu của mình. Vì bạn biết sao không? Cần ít nhất 3 tháng để hình thành một thói quen, nếu gãy ở khúc giữa, xem như bạn phải tính lại từ đầu.

Và mình đã bắt đầu đi tìm những công việc được đi nhiều, tiếp xúc nhiều với con người hơn là tasks. Ở Lotte Mart là một ví dụ, bạn đọc qua bài viết “Chuyện đi phỏng vấn ở Lotte Mart” để hiểu thêm câu chuyện của mình.

Nguồn: Jenny
Một tháng trôi qua, mọi thứ vẫn cứ dậm chân. Và mình bắt đầu hoài nghi, hoài nghi con đường mình định hướng là đúng hay sai, và liệu mình đã cố gắng hết sức mình chưa, vì trái tim mình đang hết lửa.

--- Mở mắt và biết rằng có những thứ đang chờ đợi mình. Mình cho rằng đó là ý nghĩa của cuộc sống! ---

Ảnh cover: Jenny Yu
         

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

Cách mình dịch ngôn ngữ của điện ảnh và tiểu thuyết

tháng 10 20, 2018 0 Comments
"Khi bạn muốn từ bỏ, hãy nhớ lại lí do khiến bạn bắt đầu"
Cách mình dịch ra ngôn ngữ đời thường: có mục tiêu và theo đuổi mục tiêu

Ngôn ngữ được sử dụng trong những bộ phim hay những cuốn tiểu thuyết lúc nào cũng nhuộm màu lãng mạn. Sự lãng mạn là lí do phim truyện được dành riêng một khoảng thời gian đặc biệt: những ngày cuối tuần. Mỗi buổi tối thứ bảy, sofa, bỏng ngô, bia và một bộ phim của thời đại là nỗi chờ đợi của một tuần dài. Hay một buổi sáng chủ nhật thức dậy, cuốn tiểu thuyết hững hờ trên tay, thả mình giữa làn nắng nhẹ xuyên qua ô cửa sổ là giấc mơ của 6 ngày cộng gộp.

Một bộ phim, một cuốn tiểu thuyết là cánh cửa của một thế giới không thật, vì cuộc sống thực tế chẳng phải rất khắc nghiệt hay sao.

Nhưng những triết lí được tìm thấy trong truyện hay phim đều là những mảng màu thực tế, rất thực tế, chỉ là cách truyền tải được nghệ thuật hóa để dễ đi vào lòng người.

Mình đã từng là một cô gái cho rằng phim và truyện chỉ mang tính giải trí, rằng đó là phần tách rời của cuộc sống. Nhưng càng lớn, càng học cách yêu thương nhiều hơn, mình càng nhận ra phim và truyện đều là cuộc sống thật, chỉ cần bạn cho phép trái tim mình được cảm nhận.

Bởi mỗi cuốn truyện dù phi thực tế đến đâu cũng đều được viết ra bằng sự cảm thụ rất sâu sắc từ cuộc sống của tác giả. Mỗi khoảnh khắc họ trải nghiệm trong cuộc sống đều để những dấu ấn trên trang giấy và là nguồn cảm hứng cho những câu chuyện, những ý tưởng họ viết, như Triệu phú khu ổ chuột, Nhà giả kim,...

Và mỗi bộ phim được dựng lên chỉ từ cuốn tập giấy kịch bản là kết quả từ những quan sát cuộc sống rất phi thường của người đạo diễn để có thể khắc họạ sống động những cử chỉ, những chuyển động,… đầy chân thực trên màn ảnh

Khi bạn đã có niềm tin rằng phim và tiểu thuyết đều là sự phản ánh sâu sắc, tinh khiết của cuộc sống, hãy học cách dịch ngôn ngữ đậm nghệ thuật của điện ảnh và tiểu thuyết sang ngôn ngữ của bạn. Và bạn sẽ học được rất nhiều điều từ phim, truyện.

Mình chẳng phải nhà văn, cũng chẳng phải đạo diễn, mình là người thường. Vậy hãy để mình kể bạn nghe ý nghĩa của những triết lý trong phim bằng ngôn ngữ đời thường và khoa hoc:

1. Chúng ta ra quyết định bằng cảm xúc, không phải bằng lý trí (We make decisions based on emotions) và trái tim đại diện cho cảm xúc. Khi cảm xúc của bạn bị xáo trộn hay tiêu cực, thì những hành động đầu ra cũng dựa trên những đặc tính cảm xúc đó.

“Trái tim này rất dễ hoảng sợ, chúng ta phải đánh lừa nó, cho dù vấn đề có lớn thế nào, hãy nói với trái tim bạn “Mọi chuyện đều ổn”” - 3 chàng ngốc

Kết quả hình ảnh cho gif cartoon
Nguồn: Muxxi
Bạn hiểu câu nói này nghĩa là gì không? Theo cách hiểu non trẻ của mình, đó là học cách giữ bình tĩnh. Khi trái tim hoảng sợ, nghĩa là cảm xúc trở nên bất ổn, việc ra quyết định trong lúc này là hoàn toàn điên rồ, vì bạn sẽ ra quyết định dựa trên cảm xúc. Hãy trấn an cảm xúc bằng việc lặp lại câu nói“Mọi chuyện đều ổn”, khi cảm xúc cân bằng (Emotional balance), đó là lúc lý trí được lên tiếng.   
  
2. Luật hấp dẫn (The law of attraction), quy luật này được giải thích bằng tiềm thức của não bộ con người (subconscious). Tìm mình ở bài viết sau, mình sẽ giải thích bạn nghe.

Vậy thì, ngôn ngữ của mình là hãy trò chuyện với trái tim và hiểu nó. Vì trái tim là cảm xúc, và cảm xúc là nhân tố quan trọng nhất để bạn đi vào tiềm thức và tái cấu trúc tiềm thức. Và tiềm thức là nơi quyết định 95% cuộc đời bạn - luật hấp dẫn  

---

Eat, pray and love

Nguồn: Internet

Nếu bạn đủ can đảm để bỏ lại phía sau tất cả mọi thứ quen thuộc và tiện nghi mà có thể là bất cứ thứ gì từ căn nhà của bạn cho đến những cay đắng, oán giận cũ và đặt ra trên một cuộc hành trình tìm kiếm sự thật cả bên ngoài lẫn bên trong.

Và nếu bạn thực sự sẵn sàng coi tất cả mọi điều xảy ra với mình trên cuộc hành trình như là một manh mối và nếu bạn chấp nhận tất cả những người bạn gặp trên đường đều là thầy và nếu bạn chuẩn bị kĩ để đối mặt và tha thứ cho một số thực tế khó khăn về bản thân thì sự thật sẽ không dấu giếm bạn.

Nhà giả kim
Nguồn: Bongbay.vn

Đừng bao giờ quên rằng tất cả là một tổng thể. Cũng đừng quên ngôn ngữ của dấu hiêu. Nhất là đừng quên đi cho đến hết con đường mình tự chọn.

Càng được sống giống như trong giấc mơ thì đường đời lại càng trùng hợp với mục đích mình muốn đạt đến trong đời

Hãy lắng nghe trái tim mình
Tại sao ta lại phải lắng nghe trái tim mình nhỉ?
Bởi vì trái tim cậu ở đâu thì kho báu cậu tìm cũng ở đó 

3 chàng ngốc 

Trái tim này rất dễ hoảng sợ, chúng ta phải đánh lừa nó, cho dù vấn đề có lớn thế nào, hãy nói với trái tim bạn “Mọi chuyện đều ổn”

Ảnh cover: Jenny Yu

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

Là cô gái yêu anime

tháng 10 19, 2018 2 Comments

Là cô gái yêu anime

Từ những năm mình 16 tuổi, anime đối với mình hình như đã trở thành tình yêu. Và tình yêu thường là thứ không thể giải thích được, chỉ là cảm giác được chìm vào, trái tim và tâm trí khi ấy là làn gió nhẹ tênh, như một đứa trẻ chạy trên đôi chân trần giữa đồi cỏ xanh mướt bạt ngàn của vùng đất hoang dã Switzerland.
Và theo định nghĩa của mình, anime là những chân thực, rất chân thực của cuộc sống nhưng được phản ánh qua những thứ không chân thưc - hình vẽ. Vì vậy anime không lột tả quá khắc nghiệt cuộc sống như phim điện ảnh, và vì vậy mà anime có tính giải trí cao hơn, đặc biệt đối với những người trẻ còn chưa trải đời nhiều như mình.

Sẽ thật tuyệt vời nếu các bạn thử làm một phép so sánh giữa phim Nhật và anime, bạn sẽ nhận ra những điều mình vừa chia sẻ. Cùng đề cập đến vấn đề tự sát trong học đường nhưng "Rừng Na Uy" (phim Nhật) và "Kỳ tích màu cam" (anime) là hai mảng màu đối lập. "Kỳ tích màu cam" mang đến cho người xem sự hi vọng, hay nói một cách dân dã, là đem đến một giải pháp. Trái ngược lại, Rừng Na Uy để lại cho người xem vô vàn những câu hỏi chẳng thể bóc tách hết để chạm đến gốc rễ, về một nước Nhật được ca ngợi bởi lợi ích tập thể và sự độc lập của mỗi cá nhân nhưng chính vì đó mà con người trở nên khép kín, lạnh nhạt. Một cảm giác ám ảnh và rất day dứt. 

Nước Nhật mà mình từng mơ về là nước Nhật qua những nét vẽ ...

Kết quả hình ảnh cho from up on poppy hill 

Xem “From up on puppy hill” có cảm giác như không bao giờ muốn bộ phim ngừng lại, có sự nuối tiếc của tuổi trẻ, cái ánh nhìn đầu, cách cư xử trưởng thành dù chỉ 17, khung cảnh cậu vòng tay qua người cô và giữ lấy lan can tàu để cô được an toàn trước những cơn sóng giật mạnh. 

Hình ảnh có liên quan

Đó là cử chỉ đến rất tự nhiên, là một sự phối hợp quá nhịp nhàng nhưng chưa từng được tập dược trước, hình như tình yêu lúc nào cũng diệu kì như vậy. Và khung cảnh cậu đưa tay để giữ lấy cô không bị ngã khi cô nhảy lên bậc cầu thang, đôi mắt cậu khi ấy rất sáng, không chút sợ sệt, không chút e dè. 

Kết quả hình ảnh cho from up on poppy hill

Ở tuổi 21, mình nhận ra đó là thứ mà một người con gái kiếm tìm, không phải một anh chàng ga lăng lắm tiền, mồm mép.
Nếu bạn dừng lại ở đây một chút, để 3s trong khung hình ở trên được lặp đi lặp lại trước mắt, mình mong bạn nhận ra. Cô gái kiếm tìm sự bảo vệ rất bản năng của một người đàn ông. Sự vững chắc trong hành động của anh, ánh mắt thật sáng khi anh kể về những điều anh đam mê, những lời anh nói không khi nào hết sâu sắc và thuyết phục, sự tự tin trong mọi cách anh làm và dù có trắc trở thế nào đi nữa, vẫn luôn là ánh nhìn “that look” khi anh nhìn cô.

Không cần những phân cảnh táo bạo, thật Âu để chứng minh tình yêu mãnh liệt, mình yêu anime đến mê mệt là vì vậy, sự tinh tế hiện diện trong mọi chi tiết. Giấc mơ của mình như len vào từng nhịp thở của bộ phim, giấc mơ của tuổi học trò đẹp như vậy, giấc mơ của một căn nhà hướng ra biển và giấc mơ về con đường đất đi bộ đến trường.

Hình ảnh có liên quan

From up on puppy hill còn khiến mình có sự ngưỡng mộ về nền giáo dục Nhật. Dù các cô cậu học trò chỉ mới là học sinh cấp ba nhưng đã đấu tranh hết mình vì những quyền lợi của bản thân, dám nghĩ dám làm. Ba cô cậu học trò tự mình đi đến Tokyo để gặp vị chủ tịch với quyết tâm không để toà nhà clubhouse bị dỡ bỏ. Lấy bối cảnh năm 1968 nhưng ngôi trường cấp 3 này đã có nào là câu lạc bộ văn học, thiên văn học, khảo cổ học, triết học… thứ mà mình chưa từng có khái niệm ở Việt Nam  .

Nhưng bộ phim là một thể hài hòa của một vẻ đẹp rất Á, từ tình yêu, cuộc sống sinh hoạt cho đến việc học tập. Mình mong rằng ấy, những cô gái Á dù có sang trời Tây, cũng hãy thật Á, đây là trải nghiệm của mình. Hãy là một cô gái da vàng với những nguyên tắc rất riêng. Giống như ông bà ta vẫn nói ấy, hòa nhập chứ đừng hòa tan.

Hình ảnh có liên quan 

Xem xong “From Up on Puppy hill”, một chuỗi những dấu ấn trong đầu mình đến nỗi mình không thể sắp xếp được. Mình viết bài này khi cũng vừa xem chương trình về AI và 4.0 trên National Geographic trước đó. Một sự xen lẫn giữa quá khứ còn chưa xa và một tương lai rất gần, giữa bức họa được vẽ bằng tay và những mô phỏng 3D; giữa những cánh đồng, đồi cỏ bạt ngàn và một thế giới chỉ toàn ẩn hiện những con số màu xanh trên màn hình giữa không trung; giữa câu chuyện về tình người, tình yêu quá đỗi nhẹ nhàng và những giả tưởng đậm drama về những robot AI có thể chống lại chủ nhân của nó - loài người.

Nhưng mình ý, vẫn là cô gái yêu say mê những giá trị cũ.

Ảnh cover: Jenny Yu

Kinh nghiệm đi tình nguyện 6 tuần tại nước ngoài

tháng 10 19, 2018 4 Comments

Muốn kể một chút về chuyện mình tham gia dự án Global Volunteer


(Global Volunteer là một chương trình tình nguyên quốc tế của tổ chức sinh viên toàn cầu lớn nhất thế giới - AIESEC. Một chương trình khá uy tín của một tổ chức rất uy tín)


Trước khi mình chia sẻ về 6 tuần mình sinh sống và làm tình nguyện tại nước ngoài, mình muốn đề cập đến kết quả mình nhận được từ chuyến đi dài ngày này. Không gì ngoài hai từ: thay đổi. Thay đổi rất nhiều. Nhưng toàn bộ sự thay đổi này đều là về suy nghĩ. Đơn giản vì 1 tháng rưỡi không bao giờ là đủ để thay đổi một thói quen, một tính cách hay một quan điểm sống cả. Nhưng nó sẽ là rất đủ để tác động mạnh mẽ đến giai đoạn đầu tiên của tất cả mọi cuộc hành trình: ý tưởng.

Mình quyết định lựa chọn đi Global Volunteer như thế nào?
Mình đã biết đến chương trình này từ những ngày năm nhất nhưng rất nhiều nỗi sợ ngăn mình nộp đơn. Rồi mình lại là một đứa sống không có plan mà chỉ dựa vào lực hấp dẫn nên việc đăng kí đi tình nguyện này cũng chỉ là một lực hấp dẫn do thằng bạn hối thúc. Rồi đùng một cái con bạn cùng nhà cũng kêu đi, thế là động lực được nhân đôi, công thêm với niềm tin rằng đây là sẽ là sự kiện bước ngoặt khiến mình được “lột xác”, mình sẽ thực sự tự lập và hoàn toàn tự tin. Cho đến giờ mình vẫn cảm thấy mình may mắn vì những sự kiện đầy ngẫu nhiên này lại xảy ra nối đuôi nhau như trao cho mình chiếc chìa khóa buộc mình phải mở cảnh cửa. Và thế giới phía sau cánh cửa thật sự quá đỗi diệu kì

Kinh nghiệm cá nhân: đây là hoạt động mà mình tin bất kì ai cũng nên trải nghiệm một lần trong thời sinh viên. Hai lợi ích rất rõ ràng ngay từ cái tên Global Volunteer: được sống ở nước ngoài + được làm tình nguyện. Công thêm những lợi ích tủa ra từ hai giá trị này thì ai cũng có thể vẽ ra được. Chẳng hạn như tìm hiểu màu sắc văn hóa của một đất nước, giao tiếp tiếng Anh, tạo ra những giá trị tích cực cho cộng đồng,…
Thời điểm tốt nhất để đi là vào cuối năm hai hoặc đầu năm ba. Những lí do dựa theo quan điểm của mình được giải thích theo hai cách. Theo cách loại trừ thì khi bạn chỉ mới năm nhất, kiến thức cũng như cảm xúc còn khá non trẻ, sẽ rất khó để bạn thật sự trải nghiệm trọn vẹn thời gian 6 tuần khi mà bạn vẫn chưa có khả năng đánh giá điều gì là đúng, là sai. Mình nghĩ năm nhất vẫn là khoảng thời gian bạn còn chưa hiểu rõ về bản thân, mà Global Volunteer thì đòi hỏi một chút độ cứng. Nếu thời điểm bạn đi rơi vào cuối năm ba hoặc năm tư thì mình e là bạn lại càng không trải nghiệm trọn vẹn, vì khi đó bạn đã đạt được độ chín và yêu cầu của bạn cao hơn khá nhiều so với những gì mà Global Volunteer có thể mang lại. Vậy nên cuối năm hai, đầu năm ba là thời điểm cân bằng. Giải thích theo cách trực tiếp thì vào năm hai, năm ba, bạn chưa thật sự vướng bận bởi những dự định về việc làm hay những kế hoạch cho tương lai, và thời điểm này bạn đã hình thành những giá trị của bản thân, vì vậy chuyến đi này thực sự là một cuộc trải nghiệm của tuổi trẻ và sẽ giúp ích rất nhiều để định hình lại những giá trị bạn có cũng như tìm hiểu thêm về những khía cạnh mới của bạn.  

   

Lựa chọn dự án thế nào?
Việc lựa chọn dự án để đi trong một nùi những dự án đăng tải cũng dựa vào lực hấp dẫn, là bé em phó chủ tịch chương trình Global Volunteer lọc cho mình vài dự án rồi cứ thế mình phóng lao theo. Dự án mình chọn là Social Entrepreneurship 2nd wave 2018 tại Indonesia, cụ thể tại thành phố Bandung - thành phố lớn thứ 3 của Indo. Mỗi người sẽ có một tiêu chuẩn lựa chọn dự án khác nhau. Về phần mình, tiêu chuẩn mình đưa ra là chi phí không quá cao, trong khu vực Đông Nam Á, không phải là dạy học, liên quan đến kinh tế.

Kinh nghiệm cá nhân: thực sự đặt tâm sức vào giai đoạn này. Bạn sẽ không muốn lãng phí 6 tuần chỉ để than vãn về sự không-hài-lòng trong suốt dự án đâu. Và ắt hẳn là bạn không muốn apply vào các dự án dọn dẹp vệ sinh môi trường khi mà bạn yêu tha thiết việc sử dụng bộ não để tạo ra giá trị. Việc lựa chọn sẽ vô cùng dễ dàng khi bạn đặt ra những tiêu chí ngay từ đầu. Một bài học rất xương máu khác mà những tình nguyện viên đều có thể muốn chia sẻ cho bạn: hãy chọn dự án ở những thành phố lớn. Thế này, những người tổ chức tất cả những dự án tình nguyện này cho bạn đều là thành viên của AIESEC, bạn có thể đoán họ đều là sinh viên, và theo logic thì những thành phố lớn là nơi tập trung những trường đại học top đầu, và cũng theo logic thì sinh viên của những trường đại học này thường rất xuất sắc trong cả học tập và hoạt động ngoại khóa, vì vậy bạn có thể “trao thân” cho những nhân vật này dẫn lối bạn trong 6 tuần. Những dự án ở thành phố nhỏ hoặc các vùng quê rất thường xuyên bị đánh thấp về mức độ chuyên nghiệp vì điều kiện sinh hoạt cung cấp cho các tình nguyện viên nước ngoài kém và chất lượng tổ chức các hoạt động trong suốt dự án thì thường khá thấp (nếu không muốn nói là tệ). Không chỉ là trao thân gửi phận trong 6 tuần ở một đất nước lạ hoắc mà còn là đem tiền sang đốt nữa nên đừng dại dột nhé


Giai đoạn apply như thế nào?
May mắn thứ hai với mình là bé Thùy thật sự đã thúc mình rất nhiều trong việc điền cho xong cái đơn, quá trình ngu ngốc này của mình hình như kéo dài tận 1 tháng. Né tránh nỗi sợ vốn đã là thế mạnh của mình, thế nên mình đã trì hoãn hết lần này đến lần khác nhưng cuối cùng mình cũng đã tìm được điểm dừng. Nhân tiện đây xin cảm ơn em vì đã rất kiên nhẫn với chị.
Quá trình apply không hề phức tạp, chỉ là điền một số câu hỏi và upload CV của mình lên là ok. Sau đó, phía AIESEC của nước bạn sẽ hẹn lịch phỏng vấn qua skype nếu hồ sơ được thông qua. Việc phỏng vấn này chỉ là để kiểm tra 2 tiêu chí. Một là trình độ tiếng Anh và hai là xác nhận mục đích của bạn cho chuyến đi là vì tình nguyện thay vì đi du lịch. Thật ra có một sự thật là chẳng ai rớt cả, trừ khi bạn hoàn toàn đi ngược lại cả hai tiêu chí trên. Vì bạn biết đấy, cung và cầu lúc này đều nằm trên 2 cán cân thăng bằng. 

AIESEC host sẽ gửi cho bạn một list những câu hỏi thường gặp (và đúng là gặp thật), bạn cũng cần đọc thêm thông tin về đất nước bạn đến, thành phố bạn đến và dự án bạn chọn. Khâu chuẩn bị cho phỏng vấn chỉ có thế. Trong thời gian phỏng vấn, chẳng ai đánh đố bạn cả, chỉ như một buổi nói chuyện giữa hai người lạ ở hai đất nước không cùng một thứ ngôn ngữ thôi. Còn về tiếng Anh ấy, đừng lo về nó, giao tiếp cơ bản là hoàn toàn đủ xài rồi. Dự án của bạn mình còn có bạn chẳng biết nói tiếng Anh.

Cuối cùng là đợi kết quả từ mail và sau đó là bắt đầu công cuộc chuẩn bị rần rần cho chuyến xuất ngoại dài hơi, nào là xin visa, đi đổi tiền, sắm sửa linh tinh, book các thể loại vé,…


6 tuần nên trải nghiệm thế nào cho trọn vẹn?
Như câu nói được chia sẻ đầy rẫy trên mạng, yếu tố ngoại cảnh không quan trọng, quan trọng là bên trong bạn ấy, bạn lĩnh hội được gì, bạn làm những gì.
Bạn sẽ có những mục tiêu cho chuyến đi này - thứ mà bạn chắc chắn phải đạt được, vậy thì đừng lãng quên nó, đừng thả trôi bản thân lệch ra khỏi quỹ đạo bạn đã vẽ.
Mình đã đặt mục tiêu cho chuyến đi lần này là sự tự lập, khả năng giải quyết tình huống và tính kỉ luật. Vậy những điều mình làm là gì để tiến tới mục tiêu đó?
Khi có thời gian rảnh ngoài dự án, mình rất ít khi ở nhà host mà thường xuyên ra ngoài để va đập thật nhiều với cuộc sống ở bên này. Mình chắc chắn với bạn một điều là nếu bạn cứ nằm nhà thì sẽ chẳng có tình huống nào cho bạn giải quyết hay bạn phải đưa ra những quyết định nào khó khắn đâu, trừ việc nhà host hỏi bạn muốn ăn gì và bạn phải “khó khăn” lựa chọn món.
Vào cuối tuần, thay vì nằm xem “thư ký Kim”, tụi mình thường lập kế hoạch đi chơi, tụi mình gọi là Explore Bandung và đúng là giẫm shit rất nhiều lần. Việc bất đồng ngôn ngữ đúng là rảo cản cao như bức tường Mexico đòi hỏi bạn phải rất kiên nhẫn và lanh lợi. Lúc tụi mình đến một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Bandung, mọi thứ rất bình yên, bắt một chuyến Grab car từ trung tâm thành phố đến địa điểm này là an vị rồi. Nhưng shit đầu tiên thì cũng sớm tới: bạn bán vé không biết nói tiếng Anh. Shit thứ hai mới là cú chốt, không có xe về, lúc đó là gần 5h chiều, tụi mình không thể bắt được grab ở cái nơi “khỉ ho cò gáy” này, và tụi mình cũng không thể tìm được ai có thể nói tiếng Anh để hỏi cách quay về trung tâm thành phố. Lúc này có một bác tài xế cứ dụ tụi mình lên cây xe Angkor của bác (well, well, well bác nói tiếng Indonesia ). Sau nỗ lực không thành của việc gọi cho nhà host và buddy, tụi mình quyết định leo lên đại vì mình nhìn thấy trên xe cũng có phụ nữ và trời thì sắp tối. Khi leo lên xe, con bạn mình bất lực hét “Is there anyone here that can speak English?” và thế rồi thiên thần của tụi mình xuất hiện. Anh ấy là tour guider ở Jakarta (thủ đô của Indonesia) và cũng đang cần về trung tâm thành phố để bắt tàu đến Jakarta. Thế là anh đã dắt tụi mình về đến tận nhà.


Tụi mình có một bài học nhớ đời về việc plan kĩ quan trọng như thế nào để hạn chế shit. Và một điều quan trọng hơn nữa, đó là luôn nghĩ về mục tiêu. Tin mình, việc liên tục di chuyển là một nỗ lực (đánh gục sự lười, cơn buồn ngủ và thoát khỏi vùng thoải mái). Nếu bạn không có mục tiêu cho cuộc hành trình, bạn không thể lết ra khỏi cái giường (rất êm) ở nhà host để lăn lộn đâu.

Những trải nghiệm sâu sắc nhất mà tụi mình có hầu như đều nhờ vào những chuyến đi mà tụi mình tự build chứ không phải là từ những chương trình của dự án. Vì những trải nghiệm tụi mình tự plan thường là lên bờ xuống ruộng, còn của dự án thì khá suôn sẻ. Mình sẽ chia sẻ một chút về dự án, tụi mình chỉ có hai điểm gặp mặt là quán cà phê và làng. Quán cà phê là nơi để mình brainstorm còn làng là nơi tụi mình thực thi những điều đã brainstorm. Tụi mình sẽ lên kế hoạch phát triển một cái business cho dân làng và sau đó là hướng dẫn dân làng, hỗ trợ dân làng phát triển kế hoạch đó. Số tiền thu được từ business này sẽ giúp dân làng xây dựng cơ sở vật chất mà làng còn thiếu hoặc đã hư hỏng. Vậy nên những công việc trong dự án chỉ đòi hỏi bạn kĩ năng teamwork, tiếng Anh, tính trách nhiệm và kiến thức về division mà bạn apply (Sales, Marketing, Finance, Production). Nếu mục tiêu của bạn nằm ngoài những yếu cầu mà mình đã đề cập ở trên thì bạn chắc chắn phải tự xây dưng cho mình một kế hoạch riêng bên cạnh dự án. Kế hoạch của mình chính là “không ngừng di chuyển”.


Đi làm đồng trên ngọn đồi



Borobudur - một những di tích Phật giáo lớn nhất thế giới


Đi thật xa thành phố Yogyakarta


Thành phố Banyuwangi - nơi đón măt trời đầu tiên trên đảo Java


Đường lên núi lửa Ijen - nơi phát ra ngọn lửa xanh từ mỏ quặng lưu huỳnh

Mình sẽ kể bạn nghe về kế hoạch “không ngừng di chuyển” của mình.
Mồi dự án đều sẽ cho phép các tình nguyện viên một tuần off, thời điểm này thường nằm ở giai đoạn gần cuối của dự án. Thay vì chọn một tuần nghỉ dưỡng như các EPs (tình nguyện viên quốc tế) khác, tụi mình lên hẳn một kế hoạch đi 3 thành phố trong vòng 7 ngày. Không chọn đi máy bay, không chọn ở khách sạn nhiều sao (không phải ngàn sao), tụi mình chọn đi tàu và xe, ngủ ở homestay. Có những ngày tụi mình không hề chợt mắt, thời gian ngủ được tận dụng trên những chuyến xe, chuyến phà và chuyến tàu. Không nằm nghỉ tắm nắng tại những bãi biển, tụi mình leo núi lửa, đuổi theo mặt trời để kịp ngắm bình minh, hoàng hôn.
Tất cả đó đều là sự lựa chọn.


Vậy bạn nhận ra điều gì từ tất cả những câu chuyện của mình - điều sẽ giúp bạn trải nghiệm trọn vẹn 6 tuần tình nguyện quốc tế. Chỉ hai chữ thôi: mục tiêu. Nhưng bạn không một mình khi thực hiện mục tiêu này đâu. Buddy của bạn ở AIESEC host sẽ có một cuộc gặp với bạn trước khi bạn đi để giúp bạn tìm hiểu về mục tiêu và những kế hoạch bạn dự định sẽ làm ở đó để đạt được mục tiêu ấy. Nhưng theo kinh nghiệm của mình ý, mục tiêu thì không thay đổi rồi nhưng cái kế hoạch thì thật sự trầy trật, vì bạn plan dựa trên tưởng tượng về cuộc sống ở bên đó nhưng thực tế khi tới nơi thì khác nhiều lắm. Bên cạnh buddy, bạn còn có những người bạn cũng sẽ có cùng mục tiêu với bạn ở bên ấy, khi duyên đến, bạn sẽ có một team cực awesome cùng bạn đến đích.
             
Ảnh cover: Jenny Yu